Tổng kết, đánh giá các kết quả sau 20 năm tham gia mạng lưới Khu dự trữ sinh quyển thế giới và đề xuất các giải pháp phát triển, quản lý bền vững các Khu dự trữ sinh quyển của Việt Nam trong tương lai

17 November, 2020

Photo: camau.org.vn


Hà Nội, ngày 17 tháng 11 năm 2020
Hội thảo “Phát triển và quản lý các khu dự trữ sinh quyển tại Việt Nam” do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Ngoại giao, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) tại Việt Nam và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức tại Hà Nội. Tham dự Hội thảo có sự tham gia của Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Ngoại Giao, UNDP Việt Nam, UNESCO Việt Nam, đại diện một số Tổ chức quốc tế (JICA, IUCN, WWF…), Ban quản lý các Khu dự trữ sinh quyển tại Việt Nam, một số cơ quan và tổ chức về bảo tồn trong nước, các chuyên gia và cơ quan báo chí.

Trên thế giới, đã có 714 Khu dự trữ sinh quyển (KDTSQ) tại 129 quốc gia đã được UNESCO công nhận. Tại Việt Nam, KDTSQ đầu tiên được công nhận là KDTSQ rừng ngập mặn Cần Giờ (năm 2000), đến nay đã có tổng cộng 9 KDTSQ đã được công nhận. Diện tích 9 KDTSQ của Việt Nam là hơn 4 triệu ha, chiếm khoảng 12.1% diện tích cả nước và là nơi sinh sống của khoảng 1.78 triệu người. Sự phát triển và mở rộng hệ thống KDTSQ của Việt Nam là sự nỗ lực rất lớn của Bộ Ngoại giao, UBND các tỉnh có các KDTSQ, Chương trình Con người và Sinh quyển Việt Nam (MAB Việt Nam) và các bên liên quan.

Tuy nhiên, hầu hết các khu bảo tồn, dự trữ sinh quyển nằm ở các khu vực có tỷ lệ nghèo đói cao do vậy việc đạt được mục tiêu vừa bảo tồn vừa phát triển kinh tế gặp không ít khó khăn. Ngoài ra, các rào cản khác gồm: (i) Thiếu khuôn khổ chung để thực hiện các giải pháp tích hợp trong phát triển bền vững; (ii) Việc tổ chức và điều phối sự tham gia của các bên liên quan tại các KDTSQ còn chưa hiệu quả; (iii) Năng lực về lập kế hoạch, quy hoạch trên cơ sở tiếp cận cảnh quan chưa hiệu quả. 

Do đó, “Hội thảo này là cơ hội để các bên liên quan nhìn nhận, đánh giá những kết quả đạt được sau 20 năm Việt Nam tham gia mạng lưới các khu dự trữ sinh quyển của UNESCO. Đồng thời, thảo luận về các giải pháp quản lý bền vững các khu dự trữ sinh quyển và định  hướng phát triển mạng lưới khu dự trữ sinh quyển trong thời gian tới”, ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại Hội thảo.

“Điều cần thiết là phải nâng cao nhận thức về vai trò quan trọng của các khu dự trữ sinh quyển đối với việc bảo vệ tài nguyên đa dạng sinh học phong phú của Việt Nam. Chúng ta cần có các quan hệ đối tác công mạnh mẽ hơn và các chiến lược hiệu quả để có được sự tham gia tích cực của các bên liên quan tại địa phương nhằm tăng cường các khu dự trữ sinh quyển của Việt Nam vì một tương lai tốt đẹp hơn của quốc gia và đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững,” bà Sitara Syed, Phó trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh.

Khu dự trữ sinh quyển (KDTSQ) là danh hiệu do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên hợp quốc (UNESCO) trao tặng cho “các khu vực hệ sinh thái bờ biển hoặc trên cạn giúp thúc đẩy các giải pháp điều hoà việc bảo tồn sự đa dạng sinh học với việc sử dụng bền vững khu vực đó”. Mục tiêu của KDTSQ là đảm bảo hài hoà giữa con người và thiên nhiên thông qua thực hiện 3 chức năng chính là bảo tồn, phát triển và hỗ trợ. Tiếp cận quản lý các KDTSQ được thực hiện theo hướng mở, liên ngành và đa lĩnh vực.


Để biết thêm thông tin, xin mời liên hệ::

Phan Huong Giang

Cán bộ báo chí và truyền thông, Biến đổi khí hậu và Môi trường, UNDP
Mob: 0948466688
Email: phan.huong.giang@undp.org

Bùi Xuân Trường

Quản đốc Dự án BR, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học
Mob: 0983288663 
Email: truongbui.envi@gmail.com