Củng cố an sinh xã hội là thúc đẩy giảm nghèo bền vững

Phỏng vấn bà Ramla Khalidi - Trưởng Đại diện Thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam

31 December, 2022

Tạp chí Bảo hiểm Xã hội

Bài đăng trên Tạp chí Bảo hiểm Xã hội tháng 12/2022

Giảm nghèo là một cấu phần của hệ thống an sinh xã hội toàn diện, đa tầng, bao trùm và phổ quát. Giảm nghèo bền vững vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp để củng cố hệ thống an sinh xã hội, giảm thiểu rủi ro về phúc lợi từ các yếu tố kinh tế - xã hội, môi trường và từ các sự kiện khác. Ngoài ra, hệ thống an sinh xã hội còn trợ giúp xã hội cho những người không thể tự nuôi dưỡng bản thân vì khuyết tật hay vì kinh tế... Tạp chí BHXH đã có cuộc trao đổi với bà Ramla Khalidi - Trưởng Đại diện Thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam về những vấn đề liên quan.

Đầu năm 2021, Chính phủ Việt Nam đã ban hành chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021- 2025. Bà bình luận thế nào về sự thay đổi này?

- BÀ RAMLA KHALIDI:

So với chuẩn nghèo đa chiều quốc tế, ngoài các chiều cạnh về dịch vụ xã hội cơ bản, chuẩn nghèo đa chiều của Việt Nam có thêm chiều thu nhập. Ngoài ra, chuẩn nghèo đa chiều của Việt Nam còn được sử dụng cho cả 3 mục đích, gồm (i) xác định đối tượng, (ii) theo dõi nghèo đa chiều và (iii) thiết kế thực hiện chính sách. Với sự hợp tác kỹ thuật giữa UNDP và Bộ LĐ-TB&XH, chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021- 2025 có 3 điểm đổi mới dễ nhận thấy như sau:

Thứ nhất, nâng tiêu chí nghèo về thu nhập trước đây là 700.000 đồng ở nông thôn, 900.000 đồng ở thành thị lên 1,5 triệu đồng ở nông thôn, 2 triệu đồng ở thành thị (gấp hơn 2 lần). Đây là mức tiệm cận với mức sống tối thiểu, một mức tăng rất đáng ghi nhận. Với mức tăng này, theo tính toán của chúng tôi, sẽ có khoảng 10 triệu người trước đây chưa được bao phủ bởi chuẩn cũ sẽ được bao phủ theo chuẩn mới. Việc này càng có ý nghĩa khi họ vừa trải qua tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19.

Liên quan đến chiều thu nhập, Việt Nam còn bổ sung thêm tiêu chí việc làm. Việc làm là chỉ số quan trọng bảo đảm cho người dân có thu nhập ổn định. Ngoài ra, trong chiều thu nhập còn bổ sung chỉ số về người phụ thuộc. Điều này sẽ cho thấy tỷ lệ NLĐ so với người phụ thuộc trong một hộ gia đình; đồng thời tách bạch được 2 vấn đề giảm nghèo và trợ giúp xã hội.

Thứ hai, chuẩn nghèo đa chiều mới đang chuyển từ sử dụng bộ chỉ số đo theo đầu vào (inputs) sang bộ chỉ số đo theo đầu ra (outputs) hay kết quả (outcomes). Ví dụ trong y tế, trước đây chúng ta chỉ đo tỉ lệ người dân được cung cấp thẻ BHYT, còn việc họ sử dụng thế nào, chất lượng ra sao... thì chưa đo được. Nhưng hiện nay chúng ta sử dụng chỉ số thiếu hụt về dinh dưỡng - chỉ số này thể hiện kết quả tác động từ chăm sóc y tế mang lại. Hoặc liên quan đến giáo dục, trước chúng ta dùng chỉ số đo tỷ lệ trẻ em nhập học. Hiện nay, chúng ta đã nâng cao tiêu chí lên một bậc - đó là đo tỷ lệ trẻ em nhập học đúng tuổi.

Thứ ba, đó là thúc đẩy ứng dụng CNTT trong xác định đối tượng và quản lý dữ liệu nghèo đa chiều. Thông qua ứng dụng CNTT, bất kể ai và ở đâu có thể tự đăng ký, khai báo thông tin về tình trạng nghèo của mình vào hệ thống tự đăng ký nghèo hộ (http://dangky.giamngheo.gov.vn) của Chính phủ. Qua đó, chính quyền cấp xã/phường có thể xác nhận thông tin người khai báo trên hệ thống điện tử. Hệ thống điện tử mang lại nhiều ưu việt. Cụ thể, hệ thống này giảm được TTHC; giảm khối lượng văn bản giấy tờ; người dân và cán bộ địa phương không phải đi lại nhiều lần, đặc biệt với việc tự khai báo, người dân sẽ có trách nhiệm hơn với những thông tin khai báo và thể hiện được quyền của họ trong hưởng các chính sách, chương trình giảm nghèo liên quan một cách kịp thời hơn, đặc biệt trong ứng phó với bối cảnh thay đổi nhanh chóng như COVID-19.

Kinh nghiệm nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, củng cố an sinh xã hội chính là thúc đẩy giảm nghèo bền vững. Vậy, bà đánh giá thế nào về hệ thống an sinh xã hội cũng như chính sách BHXH hiện nay ở Việt Nam?

- Theo chúng tôi đánh giá, hệ thống an sinh xã hội toàn diện phải được thiết kế đa tầng, thực hiện đủ 4 chức năng theo bốn chữ P, gồm: Promotion - Thúc đẩy, Prevention - Phòng ngừa, Provision - Cung cấp và Protection - Bảo vệ.

Hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam cũng được thiết kế đa tầng, gồm 4 trụ cột (i) Việc làm, thu nhập và giảm nghèo; (ii) BHXH; (iii) Trợ giúp xã hội và (iv) Dịch vụ xã hội cơ bản.

Về bản chất, hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam được thiết kế đa tầng, thực hiện cả 4 chức năng, cụ thể là chức năng thúc đẩy của trụ cột việc làm, thu nhập và giảm nghèo; chức năng phòng ngừa của BHXH; chức năng cung cấp của trợ giúp xã hội và chức năng bảo vệ người dân thông qua hệ thống dịch vụ xã hội cơ bản. Như vậy, hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam được thiết kế khá toàn diện. Các cá nhân và hộ gia đình không đạt được mức thu nhập tối thiếu thông qua việc làm (trụ cột 1) sẽ được hỗ trợ thông qua BHXH (trụ cột 2) hoặc chính sách trợ giúp xã hội (trụ cột 3) và dịch vụ xã hội cơ bản (trụ cột 4).

Tôi muốn tập trung trao đổi nhiều hơn về chữ P thứ hai - Phòng ngừa.

Trên thực tế, BHXH bắt buộc hiện nay mới đạt khoảng 32% số NLĐ. Nếu tính tổng số NLĐ, chúng ta còn khoảng 37 triệu người chưa tham gia bất kỳ chương trình BHXH nào. Như vậy, chắc chắn sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực về lâu dài.

Chúng tôi đánh giá, mạng lưới BHXH của Việt Nam có nhiều ưu việt, thể hiện tính nhân văn và linh hoạt cao.

Thứ nhất, quá trình đóng BHXH của người dân là có sự hỗ trợ của Nhà nước, trên nguyên tắc những hộ có mức thu nhập thấp hơn sẽ được Nhà nước hỗ trợ nhiều hơn. Cụ thể, đối với hộ nghèo, nhà nước hỗ trợ đến 30%, hộ cận nghèo là 25%, hộ bình thường là 10% khi tham gia BHXH tự nguyện.

Thứ hai, về mức đóng, thời gian đóng, loại hình tham gia BHXH rất linh hoạt. Cụ thể, người dân có thể lựa chọn mức đóng phù hợp với khả năng tài chính - mức tối thiểu theo chuẩn nghèo. Thời gian đóng linh hoạt, trước đây quy định phải đóng đủ 20 năm mới đủ điều kiện hưởng lương hưu.

Nhưng Nghị quyết 28 đã định hướng “giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm”. Như vậy, những người ở tuổi 50 vẫn có thể bắt đầu tham gia BHXH để đến 60 tuổi được hưởng lương hưu. Hơn nữa, người dân có quyền lựa chọn chuyển từ loại hình BHXH bắt buộc sang BHXH tự nguyện. Tuy nhiên, mức hưởng sẽ phụ thuộc vào thời gian và mức đóng theo nguyên tắc đóng- hưởng của BHXH. Dù mức hưởng thấp, nhưng lương hưu xã hội sẽ là nguồn thường xuyên, ổn định, quan trọng đối với môi người khi về già và ốm yếu.

Chính vì vậy, chúng tôi khuyến khích mọi người dân tham gia hệ thống BHXH (cả bắt buộc và tự nguyện) và không nên rút BHXH một lần. Trong trường hợp nhiều người rút BHXH một lần hoặc tỷ lệ tham gia BHXH thấp sẽ làm mất cân đối giữa 2 cấu phần tại chính của hệ thống an sinh xã hội, gồm cấu phần “đóng - hưởng” của người tham gia BHXH (thuộc trụ cột BHXH) với cấu phần “không đóng mà hưởng” do NSNN chi trả cho đối tượng bảo trợ xã hội (thuộc trụ cột trợ giúp xã hội). Nếu cấu phần “đóng hưởng” bị thu hẹp, nhiều người không có lương hưu khi về già, Nhà nước sẽ phải sử dụng ngân sách dành cho trụ cột trợ giúp xã hội để bao phủ nhóm đối tượng này. Như vậy, mức hưởng và độ bao phủ trợ giúp xã hội chắc chắn bị ảnh hưởng.

Còn về hệ thống chính sách BHYT, bà nhận định như thế nào về vai trò của BHYT trong hệ thống an sinh xã hội hiện nay ở Việt Nam?

- BHXH theo nguyên tắc “đóng- hưởng”, còn BHYT theo nguyên tắc “chia sẻ”. Nghĩa là BHYT do nhiều người đóng, nhưng ít người được hưởng. BHXH thì ai cũng muốn hưởng, còn BHYT không ai muốn hưởng, vì không ai muốn bị ốm đau, bệnh tật. Tuy nhiên, theo vòng đời, chúng ta không thể tránh được những lúc ốm đau, bệnh tật, cần phải được chăm sóc bằng dịch vụ y tế.

Từ góc độ người dân, BHYT gần như là “tấm khiên” bảo vệ sức khỏe khi ốm yếu. Nếu đúng tuyến chúng ta được hưởng đến 80%-100% chi phí, còn trái tuyến là từ 40%-60% chi phí. Khi khỏe mạnh, có thu nhập, thì dịch vụ y tế không thấy quan trọng, nhưng khi chúng ta ốm yếu, không có thu nhập thì “cái giường đắt nhất trên thế giới là giường bệnh”. Lúc đó BHYT vô cùng quan trọng. Do vậy, khẩu hiệu của BHYT là “Đóng khi lành, để dành khi đau”.

Từ góc độ xã hội, BHYT hay BHXH là một cơ chế chia sẻ giữa người dân với nhau và giữa nhà nước với người dân, tạo nên sự công bằng trong xã hội và là tấm lưới quan trọng tầng 2 bảo đảm người dân không bị rơi xuống tầng cuối cùng của hệ thống an sinh xã hội.

“Chúng tôi khuyến khích mọi người dân tham gia hệ thống BHXH (cả bắt buộc và tự nguyện) và không nên rút BHXH một lần. Trong trường hợp nhiều người rút BHXH một lần hoặc tỷ lệ tham gia BHXH thấp sẽ làm mất cân đối giữa 2 cấu phần tài chính của hệ thống an sinh xã hội, gồm cấu phần “đóng-hưởng” của người tham gia BHXH (thuộc trụ cột BHXH) với cấu phần “không đóng mà hưởng” do NSNN chi trả cho đối tượng bảo trợ xã hội (thuộc trụ cột trợ giúp xã hội). Nếu cấu phần “đóng-hưởng" bị thu hẹp, nhiều người không có lương hưu khi về già, Nhà nước sẽ phải sử dụng ngân sách dành cho trụ cột trợ giúp xã hội để bao phủ nhóm đối tượng này. Như vậy, mức hưởng và độ bao phủ trợ giúp xã hội chắc chắn bị ảnh hưởng”.

Vậy theo bà, giải pháp khả thi để mở rộng độ bao phủ BHXH ở Việt Nam trong năm 2023 và những năm tiếp theo là gì?

- Chúng tôi đề xuất 3 giải pháp chính:

Thứ nhất, tăng cường thông tin truyền thông một cách sâu rộng. Theo thang nhận thức của Bloom chia ra 6 bậc từ biết, hiểu, biết làm, phân tích, tổng hợp, đến sáng tạo. Chúng ta mới đang dừng ở mức truyền thông để “biết”, chưa chắc đã “hiểu”. Cần phải truyền thông để người dân hiểu được tầm quan trọng của BHXH tiếp đến tham gia và giới thiệu những người xung quanh cùng tham gia.

Thứ hai, triển khai các giải pháp thay thế hỗ trợ tài chính cho những đối tượng rút BHXH một lần. Chúng ta có thể cho đối tượng vay ưu đãi trong thời gian ngắn để giúp họ giải quyết vấn đề cấp bách hoặc chỉ cho rút 8% số họ đóng, còn lại giữ 14% số người sử dụng đóng mục đích là giữ họ ở lại hệ thống. Ngoài ra, có thể không cho phép rút BHXH một lần khi chúng ta đã giảm thời gian đóng xuống còn 10- 15 năm để tránh tình trạng người dân rút một lần rồi lại đóng mới lần tiếp theo.

Thứ ba, đẩy mạnh ứng dụng CNTT. Bởi đây là công cụ quản lý rất hữu hiệu để minh bạch hóa thông tin chính xác và kịp thời. Họ sẽ có niềm tin vào hệ thống khi họ chủ động theo dõi nắm được thông tin mình đã đóng bao nhiêu và sẽ được hưởng thế nào...

Trân trọng cảm ơn bà!

CHÂU ANH (Thực hiện)