Hội thảo tăng cường chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác quốc tế về chuyển đổi năng lượng công bằng
19 May, 2023
Nỗ lực nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức 1,5°C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp như kêu gọi trong Thoả thuận Paris về Biến đổi khí hậu đòi hỏi nhiều giải pháp, trong đó bao gồm các cách tiếp cận đổi mới sáng tạo, công bằng và bền vững để khử cacbon cho nền kinh tế và chuyển đổi năng lượng toàn diện trên quy mô toàn cầu, trong khi vẫn cần đảm bảo việc thực hiện các mục tiêu về khí hậu và mục tiêu phát triển. Ngoài các mục tiêu về khí hậu, quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng cũng có thể tạo xúc tác để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (MTPTBV). Chuyển đổi các hệ thống năng lượng sẽ tạo ra việc làm mới, tăng tiếp cận năng lượng sạch và hiện đại, đồng thời trao quyền cho người dân và xã hội để các quốc gia chống chịu tốt hơn và thịnh vượng hơn.
Để đạt được các cam kết khí hậu và nâng cao khả năng chống chịu trước các động tiêu cực ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu, các nước đang phát triển rất cần sự hỗ trợ về tài chính, công nghệ, tri thức, tăng cường năng lực từ cộng đồng quốc tế để có thể xây dựng và triển khai hiệu quả các lộ trình phát triển carbon thấp. Các nước phát triển đã cam kết đến năm 2020 sẽ cùng huy động 100 tỷ Đô la Mỹ (USD) mỗi năm cho tài chính khí hậu, tuy nhiên mục tiêu này đã không đạt được và dự kiến chỉ đạt được vào năm nay – năm 2023. Trong bối cảnh nguồn tài chính khí hậu ngày càng trở nên eo hẹp do khó khăn kinh tế toàn cầu và việc san sẻ nguồn lực để ứng phó với các thách thức toàn cầu mới xuất hiện, trong thập kỷ tới, các quốc gia sẽ cần tiếp tục tìm kiếm các cơ hội và nguồn tài chính khác nhau cho khí hậu.
Trong bối cảnh này, “Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng” (JETPs) là một trong các giải pháp. Đây là quan hệ đối tác tham vọng và lâu dài nhằm hỗ trợ và thúc đẩy phát triển phát thải ít các bon và chống chịu với biến đổi khí hậu ở các nền kinh tế mới nổi, đang trở thành một phần không thể tách rời trong chuyển đổi năng lượng toàn cầu. Tại Hội nghị các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), Nam Phi là nước đầu tiên công bố JETP với Nhóm Đối tác Quốc tế (IPG).Sau đó là Việt Nam và Indonesia cũng đã tham gia JETP lần lượt vào tháng 11 và 12 năm 2022.
Mỗi quốc gia sẽ có những ưu tiên, thách thức và nhu cầu riêng trong chuyển đổi hệ thống năng lượng của họ. Hơn nữa, các quốc gia đang ở những giai đoạn rất khác nhau trong lộ trình triển khai chuyển đổi năng lượng. Đồng thời, chuyển đổi năng lượng “công bằng” là một khái niệm mới, mang tính chuyển đổi sâu rộng, liên quan đến nhiều ngành và nhiều lĩnh vực, hình thành trong tư duy của các bên liên quan chính cũng rất khác nhau, và vì vậy cần tăng cường đối thoại giữa các nước và các bên liên quan để nâng cao hiểu biết, tăng cường hợp tác và lập kế hoạch một cách có định hướng.
Nhận thấy ý nghĩa của việc chia sẻ kinh nghiệm, đối thoại cởi mở và chuyển giao kiến thức, Bộ Ngoại giao Việt Nam (BNG) và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đã có sáng kiến tổ chức một hội thảo quốc tế tại Hà Nội, kết hợp hình thức trực tiếp và trực tuyến. Hội thảo sẽ tập trung vào chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, xác định các cơ hội phối hợp và thúc đẩy ứng dụng kỹ thuật tốt nhất hiện có (BAT) liên quan đến chuyển đổi năng lượng công bằng.
Hội thảo sẽ gồm ba phiên: Phiên 1 sẽ bao quát nội dung về việc lập, thực hiện, giám sát và đánh giá (GS&ĐG) Kế hoạch huy động nguồn lực JETP (RMP)/Kế hoạch đầu tư (IP), và xác định các ưu tiên. Phiên 2 sẽ tập trung vào tài chính và kỹ thuật tốt nhất hiện có (BAT) để thực hiện chuyển đổi năng lượng, cũng như các khía cạnh xã hội của quá trình chuyển đổi năng lượng. Hội thảo cũng sẽ tạo cơ hội để thảo luận về tiềm năng hợp tác quốc tế, trong đó có hợp tác Nam - Nam, và trao đổi kinh nghiệm, bài học kinh nghiệm và thực hành tốt nhất cấp quốc gia trong phiên thảo luận toàn thể trong Phiên 3.
Sự kiện dự kiến sẽ thu hút trên 300 đại biểu tham gia trực tiếp và trực tuyến - đây là các quan chức chính phủ và đại diện từ các Bộ, ngành chủ chốt hoạt động trong các lĩnh vực liên quan đến chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ, Nam Phi, Kazakhstan, Senegal, Philippines, Pakistan, Banladesh và Brazil; và GFANZ5, tổ chức tài chính; các chuyên gia kỹ thuật của UNDP; đại diện các tổ chức khu vực và quốc tế tham gia vào quá trình chuyển đổi năng lượng; đại diện các tổ chức tài chính quốc tế (IFI) như Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF), Quỹ Khí hậu Xanh (GCF), và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB); và đại diện các tổ chức phi chính phủ trong nước.
Thời gian: 13:00-17:30, Thứ Sáu, ngày 26 tháng 5 năm 2023
Địa điểm: Trung tâm Hội nghị Quốc tế, 11 Lê Hồng Phong, Hà Nội