Bài viết của Nguyễn Thị Trâm, Vũ Tuyết Trang, Vũ Thu Hà, Nguyễn Thị Kim Thanh, Trần Thị Khánh Vân, và Nguyễn Việt Lan
Tọa đàm : Giới và báo chí – nâng cao tiếng nói của dân
18 October, 2023
Hà Nội, ngày 18 tháng 10 năm 2023 –
"Không ai có thể hạnh phúc cho đến khi mọi người đều có tiếng nói."
“Nhà báo giúp người yếu thế có tiếng nói”
“Cây bút bạn cầm có sức mạnh, hãy sử dụng nó một cách khôn ngoan.”
“Hơn ai hết, các nhà báo nữ cần chủ động, tiên phong vượt ra khỏi khuôn mẫu giới”
Những câu nói ý nghĩa này của Đại sứ Canada Shawn Steil, Phó Giáo sư Đại học British Columbia Minelle Mahtani, Đại sứ Na Uy Hilde Solbakken, và Chủ tịch Câu lạc bộ Nhà báo nữ Việt Nam Phạm Mỵ xuyên suốt cuộc tọa đàm hôm nay về vai trò quan trọng của báo chí trong việc thúc đẩy bình đẳng giới.
Tọa đàm về Giới và báo chí do Đại sứ quán Canada, New Zealand, Na Uy và Thụy Sĩ - gọi chung là G4 - và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp với Câu lạc bộ Nhà báo Nữ thuộc Hội Nhà báo Việt Nam đồng tổ chức. Tham dự tọa đàm có các nhà báo đến từ các cơ quan báo chí, đài phát thanh, truyền hình. Các đại biểu đã cùng nhau thảo luận về đạo đức nghề nghiệp và cách sử dụng ngôn ngữ khi đưa tin về các vấn đề liên quan đến giới. Tọa đàm nhấn mạnh vai trò của báo chí trong thúc đẩy bình đẳng giới.
Tại cuộc tọa đàm, các phóng viên đã chia sẻ các nghiên cứu liên quan:
Báo chí và nỗ lực chống bạo lực trên cơ sở giới
Bà Vũ Hương Thủy từ Thông tấn xã Việt Nam nhấn mạnh vai trò quan trọng của báo chí trong việc nâng cao nhận thức và đấu tranh chống bạo lực trên cơ sở giới. Bài trình bày nhấn mạnh sự cần thiết của báo chí có trách nhiệm và nhạy cảm giới để tạo ra những sự thay đổi có ý nghĩa.
Đưa tin về vấn đề giới trên truyền hình
Bà Nguyễn Thu Hà, Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số của VTV trao đổi về những thách thức và cơ hội trong việc đưa tin về vấn đề giới trên các phương tiện truyền hình. Bà nhấn mạnh tầm ảnh hưởng của truyền hình trong việc định hướng dư luận và sự cần thiết của việc đưa tin có trách nhiệm.
Lợi ích và thách thức mà các nhà báo trên các tờ báo tập trung vào giới tính phải đối mặt
Bà Trần Hoàng Lan, Báo Phụ nữ Thủ đô, đi sâu vào lĩnh vực báo chí lấy giới tính làm trọng tâm. Bà thảo luận về những thuận lợi và trở ngại mà các nhà báo gặp phải khi đưa tin về các vấn đề giới, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đưa tin có nhiều sắc thái.
Viết báo một cách thận trọng: Những ví dụ thành công trong đưa tin về những vấn đề liên quan đến giới
Phó giáo sư Tiến sĩ Minelle Mahtani, một nhà báo đã đoạt giải, học giả và phát thanh viên nổi tiếng người Canada, đã chia sẻ góc nhìn trong việc đưa tin về các vấn đề nhạy cảm về giới. Bài trình bày của bà nhấn mạnh sự cần thiết phải xem xét cẩn thận ngôn ngữ và hình ảnh để tránh cổ xúy cho những khuôn mẫu và thành kiến.
Các Đại sứ G4 đều hoan nghênh ý nghĩa của cuộc tọa đàm, nhấn mạnh vai trò quan trọng của báo chí trong việc thúc đẩy bình đẳng giới. Họ bày tỏ cam kết hỗ trợ các sáng kiến báo chí và Báo chí nhạy cảm về giới ở Việt Nam.
“Tôi vô cùng ấn tượng với những bài trình bày sâu sắc của các nhà báo về cơ hội và thách thức đối với các nhà báo dũng cảm trong cuộc chiến chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới và đưa tin về các vấn đề giới. Báo chí là một phương tiện mạnh mẽ vừa phản ánh, định hướng xã hội vừa nâng cao nhận thức”, ông Shawn Steel, Đại sứ Canada tại Việt Nam.
“Mặc dù cả Việt Nam và New Zealand đều có nhiều điều đáng tự hào về bình đẳng giới, nhưng không thể nói như vậy về thành công của chúng ta trong việc chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới. Cả hai nước đều còn nhiều việc phải làm trong lĩnh vực này - và các nhà báo đóng một vai trò hết sức quan trọng. Bạn phải kể câu chuyện cho những người phụ nữ chưa thể lên tiếng cho chính mình”, Bà Tredene Dobson, Đại sứ New Zealand tại Việt Nam cho biết.
Bà Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Hilde Solbakken phát biểu khai mạc. “Ngày Phụ nữ Việt Nam sắp tới là cơ hội để các nhà báo thuộc bất kỳ giới nào suy ngẫm về cách bạn có thể đóng góp nhiều hơn cho các nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới. Cây bút các bạn đang cầm có sức mạnh và tôi mong các bạn hãy sử dụng nó một cách khôn ngoan”.
“Định kiến và khuôn mẫu về giới vẫn là những vấn đề lớn ở nhiều nơi trên thế giới, có tác động sâu rộng đến cách chúng ta chung sống với nhau trong một xã hội. Chẳng hạn, báo chí tốt có thể tạo ra sự khác biệt bằng cách nâng cao nhận thức và thách thức những khuôn mẫu mang tính phản thân mà tất cả chúng ta thường sử dụng trong ngôn ngữ hàng ngày,” Phó Đại sứ Thụy Sĩ Aldo De Luca cho biết.
Với hơn 800 cơ quan báo chí ở Việt Nam, báo chí nắm giữ quyền định hướng nhận thức và thái độ của xã hội. Tọa đàm là một lời nhắc nhở kịp thời rằng vai trò của báo chí vượt ra ngoài việc đưa tin; nó là một phương tiện trao quyền, vận động và thúc đẩy sự thay đổi xã hội.
“Báo chí có thể trao quyền, truyền cảm hứng và thúc đẩy sự thay đổi, nhưng nó cũng có thể duy trì những định kiến và thành kiến có hại. Điều này nhấn mạnh trách nhiệm to lớn của các nhà báo khi đưa tin về các chủ đề liên quan đến giới,” Phó đại diện thường trú của UNDP, Patrick Haverman cho biết. “Thông qua việc áp dụng những tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp và sử dụng ngôn ngữ nhạy cảm và hòa nhập, chúng ta có thể đóng góp vào một thế giới nơi tất cả mọi người đều được tôn trọng và đối xử công bằng, bất kể giới tính của họ”.
Sau đó, Bà Trần Lệ Thùy, giảng viên Truyền thông, đã hướng dẫn phân tích một ví dụ cụ thể, đưa ra góc nhìn về việc triển khai trong thực tế cuộc sống các vấn đề đã thảo luận.
Những điểm chính rút ra từ Tọa đàm này là những điều cần lưu ý khi đưa tin về các vấn đề liên quan đến giới, nhấn mạnh việc đưa tin có trách nhiệm, chính xác và toàn diện, tôn trọng giới tính tự xác định của nhân vật, và sự giao thoa của họ với các khía cạnh khác của bản sắc.
Thông qua việc nâng cao tiếng nói cho những người không có tiếng nói và thúc đẩy nền báo chí có đạo đức và bao trùm, báo chí có thể đóng góp vào việc xây dựng một xã hội công bằng và bình đẳng hơn, nơi mọi người thực sự có tiếng nói./.