Hội thảo Báo cáo kết quả Chương trình chung của LHQ: Cùng nhau hợp tác vì một tương lai hoà nhập - Thực hiện Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật thông qua hợp tác hiệu quả
26 June, 2024
- Bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa -Thể Thao và Du lịch
- Ông Tạ Ngọc Trí, Phó trưởng Ban thường trực ban chỉ đạo giáo dục trẻ khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, Bộ giáo dục và Đào tạo
- Ông Nguyễn Văn Chi - Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế
- Ông Đinh Thanh Tùng, Phó Chủ tịch thường trực Hội người Mù Việt Nam
- Bà Đinh Việt Anh, phó chủ tịch Hội Người mù Việt Nam
Kính thưa các quý vị đại biểu đến từ các Bộ ban ngành, các tổ chức của và vì người khuyết tật, các trường đại học và các cơ quan báo chí
Đại diện của các cơ quan LHQ tại Việt Nam
Các bạn và đối tác thân mến, xin chào buổi chiều.
Thay mặt Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, tôi rất hân hạnh được chào đón các bạn đến tham dự Hội thảo Báo cáo kết quả Chương trình chung của LHQ: "Cùng nhau hợp tác vì một tương lai hoà nhập- Thực hiện Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật thông qua hợp tác hiệu quả."
Chương trình này là một phần của UNPRPD - Chương trình quan hệ đối tác toàn cầu của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật. Đây là một chương trình đã khởi xướng hơn 30 chương trình chung trên khắp thế giới, thúc đẩy những tiến bộ đáng để hướng tới các xã hội hòa nhập hơn với người khuyết tật.
Việt Nam là một trong số 26 quốc gia được lựa chọn tham gia chương trình chung trong khuôn khổ Chương trình chung của Liên hợp quốc về Hòa nhập người khuyết tật từ hơn 100 quốc gia trên thế giới.
Điều này đã cho thấy sự cam kết của Chính phủ Việt Nam và các tổ chức của người khuyết tật trong việc thúc đẩy hòa nhập người khuyết tật. Những nỗ lực này đã được Liên hợp quốc và thế giới ghi nhận.
Chương trình tại Việt Nam được triển khai trên 23 tỉnh thành từ năm 2022 đến năm 2024, với 9 trong tổng số 13 đầu ra của chương trình vượt kết quả mong đợi, các nội dung còn lại đạt theo đúng kế hoạch.
Tôi xin phép được nêu bật một số thành tựu chính:
Đầu tiên phải kể đến thành tựu về sách dễ tiếp cận dành cho người gặp khó khăn khi đọc sách được in ra (được gọi là người khuyết tật chữ in).
Với sự hỗ trợ về kỹ thuật và chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, tổ chức các hội thảo tập huấn tham vấn với các bên từ phía Chương trình chung của Liên hợp quốc về người khuyết tật, Việt Nam đã điều chỉnh một số quy định của pháp luật liên quan đến Sở hữu trí tuệ theo hướng tăng cường các cơ hội tiếp cận thông tin cho người khuyết tật chữ in phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế về hoà nhập người khuyết tật.
Nỗ lực của Cục bản quyền tác giả, Bộ văn hóa thể thao và du lịch cùng các bên đã đạt được những sự điều chỉnh chính sách đáng kể, bao gồm Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi được thông qua vào tháng 6 năm 2022 trong có có một số điều khoản quan trọng liên quan đến ngoại lệ về bản quyền với việc sản xuất các ấn phẩm tiếp cận dành cho người khuyết tật chữ in.
Việc Việt Nam gia nhập Hiệp ước Marrakesh vào tháng 12 năm 2022 và các nghị định tiếp theo đã thúc đẩy hơn nữa những ngoại lệ này, góp phần cải thiện đáng kể khả năng tiếp cận đối với sách tiếp cận với trẻ em và người khuyết tật chữ in, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục.
Thứ hai, thành tựu về giáo dục giới tính toàn diện cho người khuyết tật.
Chương trình chung của LHQ về hòa nhập người khuyết tật đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để tích hợp thành công nội dung hòa nhập khuyết tật vào Chương trình Giáo dục giới tính toàn diện quốc gia, đánh đấu bằng việc Bộ GD-ĐT đã ban hành Quyết định số 656 vào tháng 2 năm 2024, chính thức phê duyệt chương trình giảng dạy cập nhật và tích hợp nội dung giáo dục giới tính toàn diện có hòa nhập người khuyết tật vào hệ thống đào tạo quốc gia.
Sáng kiến này sẽ đảm bảo các học sinh khuyết tật có thể thụ hưởng chương trình giáo dục giới tính toàn diện và bình đẳng trong các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông trên toàn quốc.
Thứ ba là những kết quả về giáo dục hòa nhập.
Năm 2022, chương trình đã hỗ trợ đánh giá toàn diện các dịch vụ giáo dục hòa nhập, chăm sóc và bảo vệ trẻ em hiện có. Cùng với hoạt động hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực sâu rộng cho hơn 400 cán bộ giáo dục, phụ huynh và nhân viên công tác xã hội, đánh giá này đã góp phần tạo nên những tiến bộ đáng kể trong việc mở rộng khả năng tiếp cận đối với các Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập và Trung tâm chăm sóc ban ngày cho trẻ khuyết tật.
Điều này cũng góp phần thực hiện Quyết định của Thủ tướng năm 2018 về Đề án hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em dựa vào cộng đồng giai đoạn 2018-2025.
Bên cạnh đó, vào tháng 12 năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành thông tư Thông tư số 20/2022/TT-BGDĐT hướng dẫn các quy định đối với Trung tâm hỗ trợ phát triển Giáo dục Hòa nhập, áp dụng trên toàn quốc. Những nỗ lực này đặt nền móng để tăng cường đáng kể khả năng tiếp cận các chương trình giáo dục hòa nhập và các dịch vụ bảo vệ thiết yếu cho trẻ khuyết tật.
Thứ tư, những kết quả về quyền sức khỏe tình dục và sinh sản.
Chương trình chung của Liên hợp quốc về Hòa nhập người khuyết tật đã phối hợp với Bộ Y tế xây dựng hướng dẫn quốc gia đầu tiên và chương trình đào tạo cho nhân viên y tế về cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục cho người khuyết tật.
Hướng dẫn này khi áp dụng sẽ giúp cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện.
Bên cạnh đó, chương trình nâng cao năng lực thí điểm dành cho 150 nhân viên y tế sẽ tăng cường hơn nữa việc cung cấp các dịch vụ SKSS/SKTD cho người khuyết tật, thúc đẩy khả năng tiếp cận công bằng và cải thiện kết quả sức khỏe tổng quát của họ.
Cuối cùng và có tầm quan trọng là dữ liệu toàn quốc về người khuyết tật.
Chương trình đã có những đóng góp đáng kể cho các nỗ lực thu thập dữ liệu quốc gia quan trọng nhằm thực hiện và giám sát việc thực hiện Công ước quốc tế về Quyền của Người khuyết tật.
Những thành tựu chính bao gồm việc xây dựng các chỉ số cho Khảo sát quốc gia về người khuyết tật lần thứ 2 do Tổng cục Thống kê thực hiện từ tháng 8-tháng 11 năm 2023. Khảo sát này được do Tổng cục thống kê thực hiện có sự tham vấn về các chỉ số cho Khảo sát với các Bộ ngành, các tổ chức của và vì NKT, các đơn vị nghiên cứu và các nhằm mục tiêu thu thập dữ liệu phân tách chính xác về người khuyết tật trên các khía cạnh khác nhau của Mục tiêu Phát triển Bền vững.
Các kết quả dự kiến được công bố vào năm 2025 sẽ là nguồn thông tin quan trọng cho Báo cáo Quốc gia về thực hiện CRPD lần thứ 2 của Việt Nam. Kết quả khảo sát cũng sẽ cung cấp thông tin hỗ trợ xây dựng các chương trình kinh tế xã hội mới nhằm giúp người khuyết tật hòa nhập tốt hơn vào các nỗ lực phát triển quốc gia.
Thưa quý vị,
Những thành tựu này là minh chứng cho những gì chúng ta có thể đạt được thông qua sự hợp tác và cam kết chung.
Tôi gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất tới các đối tác chính phủ vì sự lãnh đạo kiên định trong việc thúc đẩy những thay đổi chính sách và lồng ghép quyền của người khuyết tật vào khuôn khổ quốc gia. Tầm nhìn và sự hỗ trợ của từ các cơ quan Chính phủ đã đặt nền tảng vững chắc cho sự tiến bộ bền vững.
Tôi cũng gửi lời cảm ơn chân thành tới các tổ chức của người khuyết tật. Sự ủng hộ và sự tham gia tích cực của bạn là không thể thiếu trong việc định hình tiến trình của chương trình của chúng tôi.
Kinh nghiệm sống và khả năng lãnh đạo của bạn đã đảm bảo rằng các sáng kiến của chúng tôi thực sự mang tính toàn diện và đáp ứng nhu cầu của cộng đồng mà chúng tôi phục vụ.
Sự hợp tác giữa UNDP, UNICEF và UNFPA đóng vai trò quan trọng trong hành trình này.
Mỗi cơ quan đều có những thế mạnh và quan điểm riêng, làm phong phú thêm cách tiếp cận chung của chúng ta và đảm bảo hỗ trợ toàn diện cho việc thực hiện CRPD.
Khi kết thúc chương trình này, chúng ta hãy tôn vinh tinh thần hợp tác đã soi sáng hành trình chung của chúng ta.
Con đường phía trước có thể còn nhiều thách thức, nhưng những nền tảng vững chắc mà chúng ta đã cùng nhau xây dựng khiến tôi tin tưởng rằng chúng ta sẽ tiếp tục bảo vệ quyền và sự hòa nhập của người khuyết tật ở Việt Nam.
Xin cám ơn và chúc sức khỏe!