Tác giả: Trần Hương Giang - Head of Experimentation và Nguyễn Tuấn Lương - Head of Solutions Mapping, Accelerator Lab, UNDP tại Việt Nam
Hành trình cho đi: Các nhà sáng tạo cấp cơ sở đang giúp cộng đồng đến gần hơn với ước mơ của họ như thế nào?
28 March, 2023
Khi xe chở rác gặp sự cố và không thể đến thu gom rác, chị Trịnh Thị Hồng và những người dân trong khu phố ở Đà Nẵng đã phải chịu mùi hôi khó chịu. Vì vậy, chị Hồng thu gom vỏ trái cây, các thành phần rau củ thừa để thử nghiệm sản xuất dầu gội đầu, sữa tắm, nước rửa bát, và nước lau sàn. Từ thử nghiệm này, chị Hồng đã nảy ra ý tưởng phát triển các sản phẩm vệ sinh không độc hại từ vỏ trái cây và các loại rác thải thực phẩm khác. Chị Hồng từng tham gia nhiều công tác xã hội và kinh doanh các loại dược phẩm, nhưng trước đó chị chưa từng được đào tạo bài bản về cách phát triển các sản phẩm tẩy rửa. Do vậy mà chị đã dành hơn ba năm để nghiên cứu, thử nghiệm, phát triển công thức và cải tiến sản phẩm của mình nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn và quy định của ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng này. Một trong những sản phẩm của chị là nước rửa chén làm từ vỏ rau và trái cây, có chứa phân tử enzym giúp loại bỏ các nhân tố gây mùi hôi trong không khí và các chất thải từ quá trình sản xuất các sản phẩm này không gây ô nhiễm nước sông, biển.
Chị Hồng nhận thấy do quá trình đô thị hóa, nhiều nông dân bị mất đất canh tác và khó tìm việc làm. Đồng thời, ý thức được tác động tiêu cực của hóa chất độc hại trong các sản phẩm tẩy rửa công nghiệp mà mọi người sử dụng hàng ngày, chị Hồng quyết định mở rộng sản xuất, tạo công ăn việc làm cho những phụ nữ có thu nhập thấp trong cộng đồng. Kết quả là, mỗi tháng, nhóm xử lý khoảng 109 tấn rác thải để tạo ra hơn 50.000 lít sản phẩm.
Trong khi chị Hồng ở Đà Nẵng đam mê tái chế rác và giúp phụ nữ nghèo có cuộc sống tốt hơn thì chị Nguyễn Thị Vân ở Hà Nội đang nỗ lực vượt qua căn bệnh teo cơ tủy sống để hỗ trợ những người khuyết tật khác tiếp cận cơ hội việc làm bền vững.
Chị Vân đã truyền cảm hứng để những người khuyết tật trở thành những nhà lãnh đạo có tầm nhìn kiến tạo một môi trường làm việc tốt hơn cho người khuyết tật. Ước mơ của Chị là nâng cao khả năng của người khuyết tật trong việc tạo ra giá trị gia tăng cho chính họ và xã hội. Chị Vân hiểu ba rào cản chính đối với người khuyết tật là sức khỏe yếu, đi lại khó khăn và khó tiếp cận với giáo dục chất lượng. Vì vậy, chị đã mở các khóa đào tạo nghề sáu tháng cho người khuyết tật về kỹ năng chỉnh sửa ảnh cũng như các kỹ năng mềm như kỹ năng làm việc nhóm. Chị cũng đã cải thiện khả năng tiếp cận tòa nhà văn phòng của mình để khuyến khích nhiều người khuyết tật tham gia khóa đào tạo.
Cũng có giấc mơ lớn, anh Phước Nguyên có khát vọng đưa Việt Nam, từ thị trường tiêu thụ xe máy chạy bằng xăng lớn thứ tư trên thế giới, trở thành quốc gia thân thiện với môi trường hơn, đặc biệt trong bối cảnh ô nhiễm môi trường đang là một vấn đề lớn. Tại Việt Nam, với 50 triệu xe máy đang lưu hành, tiêu thụ hơn 11.700 lít xăng và thải ra khoảng 35 triệu tấn khí thải CO2 mỗi năm, xe máy chạy bằng xăng gây ảnh hưởng nặng nề đến môi trường và sức khỏe người dân. Anh Nguyên nhận thấy ngành giao thông vận tải thay đổi vô cùng nhanh chóng. Sự chuyển đổi đầu tiên diễn ra hơn một thế kỷ trước là từ xe ngựa và xe đạp sang động cơ chạy bằng nhiên liệu hóa thạch và bây giờ là kỷ nguyên chuyển đổi từ phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch sang phương tiện chạy bằng điện.
Hít thở bầu không khí ô nhiễm mỗi ngày khi chạy xe trên đường phố, anh Nguyên luôn thắc mắc tại sao xe điện có ưu điểm không thải khí CO2 mà lại không phổ biến hơn ở Việt Nam, đặc biệt là trong ngành giao vận. Một người giao hàng có thể chạy xe gần 200 km/ngày và phải chi hàng triệu Đồng tiền xăng. Nếu giảm được chi phí này, người giao hàng không chỉ có thêm thu nhập mà còn giảm phát thải khí nhà kính khi họ di chuyển. Vậy, tại sao lại không thể có xe máy điện sản xuất tại Việt Nam? Anh Nguyên quyết định nghiên cứu chế tạo xe máy điện. Vạn sự khởi đầu nan, đại dịch COVID-19 đã mang đến nhiều thách thức cho công ty của anh. Tuy nhiên, anh nhận thấy nhân viên giao hàng vẫn có thể làm việc trong bối cảnh cả nước phong tỏa. Mô hình kinh doanh của anh ngày càng được định hình một cách rõ ràng hơn: anh tập trung thiết kế mẫu xe máy điện cho người giao hàng với hệ sinh thái vận hành toàn diện, bao gồm các trạm đổi pin, hệ thống tìm xe thất lạc, hệ thống định vị trạm đổi pin và các giải pháp khác thuận tiện cho người dùng.
Tốt cho cộng đồng là tốt cho doanh nghiệp
Ba nhà đổi mới có nền tảng giáo dục khác nhau, nhưng họ đều ước muốn giải quyết các thách thức lớn của cộng đồng và thay đổi cuộc sống của hàng ngàn người khó khăn. Theo quan điểm của họ, kinh doanh không chỉ đơn giản là tìm kiếm lợi nhuận mà cần đóng góp nhiều giá trị hơn cho xã hội. Chị Hồng, chủ doanh nghiệp Minh Hồng Biotech, quan tâm đến việc giúp đỡ các hộ nghèo hơn là lo lắng mất bản quyền. Chị đã chuyển giao công nghệ sinh học cho 140 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ, tạo việc làm cho hơn 400 lao động nữ với thu nhập ổn định từ 4 đến 8 triệu đồng mỗi tháng.
“Một mình tôi không thể giúp tám triệu người khuyết tật ở Việt Nam nhưng nếu có nhiều người kinh doanh như tôi, chúng ta có thể”. Trong một cuộc phỏng vấn, chị Nguyễn Thị Vân, giám đốc Imagtor, chia sẻ, năm 2018 là thời điểm công ty chính thức đăng ký kinh doanh và đạt doanh thu 10 tỷ đồng, lợi nhuận 3 tỷ đồng. Đến nay, công ty của chị đã đào tạo cho khoảng 1.200 người khuyết tật, 80% số học viên đã kiếm được việc làm ổn định với thu nhập từ 6,5 triệu đến 23 triệu Đồng/tháng, từ đó họ có thể tự trang trải cuộc sống và hỗ trợ gia đình.
Trong khi đó, anh Nguyên quyết định từ bỏ công việc có thu nhập tốt và ổn định ở Hoa Kỳ và Việt Nam để hiện thực hóa giấc mơ chuyển đổi ngành vận tải ở Việt Nam.
Công cụ tìm kiếm giải pháp – cách thức tìm câu trả lời cho các vấn đề hiện hữu trong cộng đồng.
Ba câu chuyện trên của ba cá nhân truyền cảm hứng, mỗi người theo cách riêng, tự tìm ra các giải pháp mới dựa trên kinh nghiệm, quan sát và niềm đam mê của chính mình, giúp cho cộng đồng ngày một tốt đẹp hơn. Từ kinh nghiệm áp dụng công cụ tìm kiếm giải pháp của UNDP, chúng tôi thấy rằng, các giải pháp bền vững nhất thường là “từ trong ra ngoài” - giải pháp được sinh ra từ nhu cầu của cộng đồng, ứng dụng các sáng kiến khác trên thế giới, và được thử nghiệm, điều chỉnh và sửa đổi cho phù hợp, những hạt nhân này có thể kiến tạo giải pháp độc đáo phù hợp với bối cảnh địa phương.
Tôi xin khép lại bài viết của mình bằng câu nói của Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam Ramla Khalidi: “Đổi mới có nghĩa là khai phá những nền tảng mới, thử nghiệm và giải quyết các vấn đề cũ theo những cách mới. Đổi mới không nên chỉ giới hạn ở các khu công nghệ cao, các công ty lớn hoặc các tập đoàn quốc tế. Rất nhiều nhà đổi mới sáng tạo cộng đồng đã giúp nhiều người có thu nhập thấp giải quyết khó khăn của họ và cải thiện sinh kế. Chị Minh Hồng, anh Phước Nguyên và chị Vân đang đại diện cho nhiều nhà đổi mới sáng tạo cộng cấp cơ sở mà UNDP đang tìm kiếm và hỗ trợ vì lợi ích cộng đồng”.
Xin vui lòng chia sẻ ý kiến và cảm nhận của bạn về chủ đề này với chúng tôi qua địa chỉ email tran.huong.giang@undp.org và nguyen.tuan.luong@undp.org.
________________________________________
Xin chân thành cảm ơn các đồng nghiệp Nguyễn Việt Lan và Trần Thị Bảo Ánh đã đóng góp ý kiến. Trong các bài viết tiếp theo, chúng tôi sẽ giới thiệu các sáng kiến cấp cơ sở và hành trình của các nhà hoạch định chính sách để thúc đẩy những sáng kiến này ở Việt Nam.