Nỗ lực của Việt Nam nhằm xây dựng một hệ thống y tế thích ứng với biến đổi khí hậu
5 December, 2023
Dubai, 4/12/2023 - Sự kiện bên lề “Xây dựng hệ thống Y tế thích ứng với biến đổi khí hậu ở Việt Nam” đã được Bộ Y tế Việt Nam, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức tại Phòng sự kiện bên lề Việt Nam (Việt Nam Pavilion) của Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28). Sự kiện được diễn ra nhân Ngày sức khỏe đầu tiên và cuộc họp cấp bộ trưởng về sức khỏe - khí hậu được tổ chức tại hội nghị COP. Sự kiện nhằm giúp các lãnh đạo cấp cao hiểu sâu thêm về mối quan hệ giữa khí hậu và sức khỏe và giúp lồng ghép sức khỏe vào chương trình nghị sự về biến đổi khí hậu toàn cầu.
Là quốc gia dễ bị tổn thương bởi các tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về sức khỏe phát sinh từ thiên tai liên quan đến khí hậu. Những sự kiện như vậy đã tác động trực tiếp và gián tiếp đến sức khỏe, từ việc lây lan các bệnh lây nhiễm như sốt xuất huyết, đến việc gia tăng các bệnh không lây nhiễm như sức khỏe tâm thần và sức khỏe môi trường. Ngành y tế đã và đang phải chịu những tác động ngày càng tăng trong những năm gần đây, bao gồm thiệt hại đối với các cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu do lũ lụt, bão, sạt lở đất và các hiện tượng thiên tai khác liên quan đến khí hậu đã làm trầm trọng thêm những thách thức này.
Chính phủ Việt Nam đã triển khai nhiều chính sách thích ứng với biến đổi khí hậu, phát huy vị thế của mình nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Một trong những chính sách đáng chú ý là việc xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành y tế giai đoạn 2019 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Kế hoạch này tập trung vào xây dựng các cơ sở chăm sóc sức khỏe có khả năng chống chịu với các tác động của biến đổi khí hậu, đồng thời tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Ngoài ra, kế hoạch cũng đề ra các biện pháp nhằm giảm phát thải khí nhà kính từ ngành y tế. Theo ước tính, ngành y tế đang chiếm 4 - 5% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu.
Năm 2018, UNDP và Bộ Y tế đã ký Biên bản ghi nhớ về hỗ trợ giải quyết vấn đề giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu của ngành y tế. Bên cạnh hỗ trợ xây dựng Kế hoạch hành động về khí hậu của ngành y tế và lồng ghép các hành động ưu tiên về y tế vào hoạt động ứng phó chung với biến đổi khí hậu của Việt Nam, UNDP cũng đã và đang phát triển mô hình các trạm y tế xã sử dụng điện năng lượng mặt trời và có khả năng chống chịu với khí hậu. Ngoài ra, với hỗ trợ của Chính phủ Nhật, Chính phủ Hàn Quốc, USAID và UNDP, UNDP đã cùng với Bộ Y tế đã đồng triển khai ứng dụng y tế từ xa "Bác sĩ cho mọi nhà" ở cấp cơ sở nhằm cải thiện khả năng tiếp cận y tế ở các tỉnh miền núi, các tỉnh ven biển miền trung, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và Cao nguyên – đều là những tỉnh bị ảnh hưởng với khí hậu và thời tiết cực đoan.
Cuối năm 2023, với sự hỗ trợ của USAID, UNDP sẽ triển khai một dự án với mục tiêu hỗ trợ Việt Nam lồng ghép vấn đề biến đổi khí hậu vào các nỗ lực “Một sức khỏe”, giúp phòng ngừa và kiểm soát các bệnh lây truyền từ động vật sang người. UNDP cũng đang hỗ trợ các phương pháp tiếp cận đổi mới về chuyển đổi số trong mua sắm y tế và mua sắm xanh, hệ thống cảnh báo sớm bệnh tật và cải thiện quản lý rác thải nhựa y tế.
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận khẳng định Việt Nam đang ngày càng chú trọng các vấn đề khí hậu và sức khỏe: “Sự kiện quan trọng này là cơ hội để hiểu rõ hơn về bối cảnh, thách thức và rủi ro do biến đổi khí hậu gây ra đối với sức khỏe người dân và hệ thống y tế Việt Nam, cũng như các chính sách và cách ứng phó của ngành y tế. Tôi hy vọng rằng tại sự kiện bên lề hôm nay, các đại biểu sẽ biết tới những ví dụ thực tế về các sáng kiến bảo vệ sức khỏe người dân cũng xây dựng hệ thống y tế và cộng đồng kiên cường trước biến đổi khí hậu ở Việt Nam. Chúng tôi mong muốn được học hỏi thêm kinh nghiệm, bài học hay cũng như nhận được đề xuất từ các đại biểu và sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính từ các đối tác phát triển để Việt Nam có thể đạt được nhiều thành tựu trong tương lai.”
Ông Đào Xuân Lai, Trưởng ban Biến đổi khí hậu, Môi trường và Năng lượng của UNDP, nhấn mạnh các yếu tố quan trọng của mối quan hệ khí hậu - sức khỏe. Ông cho biết biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến các yếu tố xã hội và môi trường liên quan tới sức khỏe như không khí sạch, nước uống an toàn, đủ lương thực và nơi trú ẩn an toàn. Ông cũng trình bày các giải pháp sáng tạo để tăng cường khả năng phục hồi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính và cải thiện khả năng tiếp cận năng lượng sạch trong các hệ thống chăm sóc sức khỏe. Các giải pháp này bao gồm phát triển các chương trình phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh dựa trên thông tin về khí hậu, cải thiện khả năng sẵn sàng cho “tuyến cuối” và triển khai các giải pháp tổng hợp có khả năng chống chịu với khí hậu và phát thải carbon thấp tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe được lựa chọn.
"Việc phát triển các trạm y tế xã có khả năng chống chịu và ứng phó với biến đổi khí hậu ở các khu vực ven biển dễ bị tổn thương và vùng đồng bằng sông Cửu Long là rất quan trọng. Các trạm y tế xã này được thiết kế để chống chịu với các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, được lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời áp mái, cũng như hỗ trợ thiết lập các phòng chức năng y tế từ xa để duy trì dịch vụ y tế trong thiên tai” ông Lai nói.
Theo đại diện của WHO, tầm quan trọng của quản trị y tế, của hệ thống y tế bền vững và tích hợp biến đổi khí hậu vào phản ứng chung của ngành y tế lần nữa được khẳng định. WHO cũng đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng và tăng cường Kế hoạch thích ứng quốc gia, bao gồm các ưu tiên của ngành y tế.
Sự kiện bên lề này đã mang đến một cái nhìn tổng quan về tầm quan trọng của việc tích hợp khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu vào hoạt động chăm sóc sức khỏe, cũng như những nỗ lực của Việt Nam trong việc phát triển các hệ thống y tế và cộng đồng chống chịu với biến đổi khí hậu, đặc biệt là với những nhóm dân cư dễ bị tổn thương nhất. Những hợp tác và đổi mới được trình bày tại sự kiện này cho thấy cách tiếp cận toàn diện nhằm giải quyết thách thức kép của biến đổi khí hậu và sức khỏe cộng đồng ở Việt Nam.