Hướng tới cách tiếp cận bao trùm và dựa trên quyền con người trong hành động vì khí hậu
18 October, 2022
Hà Nội, ngày 18 tháng 10 năm 2022 - Hôm nay, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức buổi Thảo luận Chính sách về Mối quan hệ giữa Quyền con người và Biến đổi khí hậu tại Hà Nội, với trọng tâm về cách phát triển môi trường xanh, công bằng, và bền vững dựa trên nguyên tắc lấy bình đẳng và quyền con người làm trung tâm.
Đây là sự kiện tiếp nối cuộc đối thoại chính sách trong khuôn khổ hội thảo quốc tế do UNDP và Bộ Ngoại giao Việt Nam đồng tổ chức tháng 7 vừa qua về những tác động của biến đổi khí hậu đối với việc thụ hưởng quyền của các nhóm dễ bị tổn thương.
“Na Uy đánh giá cao hoạt động của UNDP và các đối tác nhằm nâng cao hiểu biết về sự phụ thuộc lẫn nhau và mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và quyền con người”, Phó Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Mette Møglestue cho biết. “Môi trường trong sạch, lành mạnh và bền vững là nền tảng của cuộc sống, và bảo vệ môi trường là điều kiện tiên quyết để các thế hệ hôm nay và mai sau thụ hưởng quyền con người”.
Với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Na Uy, UNDP thực hiện và ra mắt bài báo nghiên cứu với hai câu hỏi chính: 1) Quyền con người nào chịu tác động từ biến đổi khí hậu? và 2) Làm thế nào để có thể giải quyết các tác động này bằng cách giảm thiểu hoặc khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực đến việc thụ hưởng quyền con người, thay vì làm trầm trọng thêm?
Nghiên cứu đưa ra một cái nhìn tổng quan về các tác động của quyền con người, cùng với vai trò và trách nhiệm của các bên liên quan dựa trên các công cụ quy phạm của Liên hợp quốc về Quyền con người và Biến đổi khí hậu. UNDP khuyến nghị với các nhà hoạch định chính sách và chính quyền các cấp cần đảm bảo rằng các chính sách và biện pháp thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu, bao gồm cả Chuyển đổi năng lượng công bằng, được thực hiện hiệu quả dựa trên quyền con người, đặt quyền người dân làm trung tâm và đáp ứng nguyên tắc cốt lõi về sự tham gia, trách nhiệm giải trình, bình đẳng, trao quyền và tính hợp pháp.
Phát biểu tại buổi Thảo luận Chính sách, Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam, bà Ramla Khalidi đã đưa ra ba nhận định và khuyến nghị về cách tiếp cận bao trùm hơn và dựa trên quyền đối với hành động vì khí hậu ở Việt Nam nhằm đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau.
Thứ nhất, tích hợp việc đánh giá ảnh hưởng của biến đổi khí hậu lên quyền con người vào các nghiên cứu phân tích tác động chính sách rộng hơn và mang tính bắt buộc. Xét đến việc Việt Nam đã phê chuẩn các công ước về nhân quyền cốt lõi như Công ước Quốc tế về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa (ICESCR), Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR), cũng như Thỏa thuận chung Paris (Paris Agreement), các tiêu chuẩn về quyền con người cần được gắn liền với các chính sách hành động vì khí hậu của Việt Nam khi thực hiện các cam kết đã đưa ra tại COP 26.
Thứ hai, cần có cách tiếp cận toàn xã hội để huy động ý tưởng đổi mới sáng tạo, chuyên môn và quan hệ hợp tác cần thiết nhằm giải quyết khủng hoảng khí hậu. Tiếng nói của phụ nữ, thanh niên, người di cư, người dân tộc thiểu số, học giả và các tổ chức xã hội là rất quan trọng đối với các kết quả chính sách bền vững.
Thứ ba, tiếng nói, sự tham gia, việc thu thập dữ liệu và tính minh bạch là không đủ nếu không có trách nhiệm giải trình. Các cộng đồng và cá nhân phải có được khả năng khiến các nhà hoạch định chính sách phải chịu trách nhiệm về các cam kết quốc tế và trong nước của họ. Do đó, các cơ chế đảm bảo đối thoại, tiếp cận thông tin và các biện pháp khắc phục pháp lý giúp giải quyết các tranh chấp, và đưa ra các biện pháp khắc phục hiệu quả là một phần thiết yếu trong lời kêu gọi công bằng khí hậu của chúng tôi.
“Giáo dục về quyền con người chịu tác động của biến đổi khí hậu và trao quyền về luật pháp nên là trọng tâm ưu tiên, đặc biệt là đối với các nhóm dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu”, Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam, bà Ramla Khalidi cho biết. “UNDP cam kết sâu sắc hỗ trợ các bên liên quan tại Việt Nam đảm bảo việc lập kế hoạch thích ứng, giảm thiểu biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng và bảo vệ môi trường phù hợp với các tiêu chuẩn của Quyền con người. UNDP ủng hộ cam kết của Việt Nam về giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và tiến tới đạt được mục tiêu đó một cách bao trùm và có sự tham gia, không bỏ lại ai phía sau ”.
Một phần nổi bật của buổi Thảo luận Chính sách là Phiên thảo luận về những bước khởi đầu trong việc thúc đẩy cam kết về bảo vệ quyền con người bị ảnh hưởng bởi tác động của biến đổi khí hậu, và về vai trò và trách nhiệm của các bên liên quan trong bối cảnh này ở Việt Nam. Phiên thảo luận điều phối bởi bà Diana Torres, Trưởng Ban Quản trị và Tham gia của UNDP tại Việt Nam, đã mang đến những góc nhìn thú vị từ các nhà nghiên cứu, chuyên gia, học giả, nhà ngoại giao, doanh nghiệp và các quan chức Chính phủ.
—
Để biết thêm chi tiết, vui lòng liên hệ:
Nguyễn Việt Lan, Phụ trách Truyền thông UNDP Việt Nam, email: nguyen.viet.lan@undp.org, tel: 0914.436769