Tăng cường phụ nữ tham chính và khởi xướng sáng kiến là chìa khóa thúc đẩy phát triển bao trùm, bền vững
19 October, 2022
Hà Nội, ngày 19 tháng 10 năm 2022 – Hướng tới kỉ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc - UNDP đã tổ chức tọa đàm với các đại biểu Quốc hội, đại diện các Bộ ngành, địa phương, và cơ quan liên quan của Chính phủ, giới học giả, tổ chức xã hội dân sự và các đối tác phát triển về hành trình tham chính của phụ nữ, cũng như những sáng kiến đổi mới của phụ nữ trong sự nghiệp phát triển của Việt Nam.
Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể so với các nước trong khu vực. Theo Báo cáo Khoảng cách giới toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2022, Việt Nam đạt 0,705 trên thang điểm từ 0 đến 1 về chỉ số chênh lệch giới, xếp thứ 83 trong số 146 quốc gia, tăng 4 bậc so với vị trí từ 87 năm 2021. Kết quả của cuộc bầu cử năm 2021 cũng cho thấy sự gia tăng số lượng nữ đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa 15 hiện nay là 30,26%, cao hơn so với nhiệm kỳ trước. Tương tự, tỷ lệ đại diện của phụ nữ trong Hội đồng Nhân dân các cấp cũng tăng lên.
Tuy vậy, rất ít phụ nữ lên được đến những cấp điều hành cao nhất . Việc giảm số lượng đại diện của phụ nữ trong Đại hội Đảng lần thứ 13 và Bộ Chính trị khóa 13 cho thấy tiến độ đạt được các mục tiêu không ổn định.
Phụ nữ còn gặp nhiều thách thức lớn trong tham chính ở cấp địa phương. Theo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) UNDP trong 2 năm qua, tỉ lệ phụ nữ đại diện ở cấp địa phương rất thấp, đặc biệt là vị trí lãnh đạo thôn bản. Năm 2019, trong số 812 thôn được khảo sát, chỉ có 101 thôn (chiếm 12%) có lãnh đạo là nữ. Cũng theo PAPI, phụ nữ khó nắm giữ các vị trí lãnh đạo thôn bản ở khu vực nông thôn hơn so với khu vực thành thị.
Viêt Nam chỉ còn 3 năm để phấn đấu đạt được mục tiêu 60% cơ quan nhà nước và chính quyền địa phương có lãnh đạo chủ chốt là nữ vào năm 2025, và chỉ còn 7 năm nữa để đạt mức 75% cho tỉ lệ này, và mục tiêu đạt 35% đại diện nữ trong Quốc hội vào năm 2030.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu thảo luận để hiểu rõ hơn nguyên nhân cơ bản của tỉ lệ phụ nữ tham chính thấp, và chia sẻ các sáng kiến mới rút ngắn khoảng cách giới hiện nay, và xác định một lộ trình rõ ràng để đạt được tất cả các mục tiêu quốc gia, đặc biệt là nỗ lực giải quyết các chuẩn mực xã hội đã ăn sâu và định kiến về lãnh đạo nữ, cũng như các cách xây dựng năng lực lãnh đạo vốn là chìa khóa thúc đẩy vai trò lãnh đạo nữ trong tương lai.
Bà Ramla Khalidi, Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam, đã chia sẻ cách tiếp cận của UNDP trong việc hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu đầy tham vọng của mình. Bà nói: “Phụ nữ ngày càng được coi là tác nhân tích cực của sự thay đổi - những người đóng vai trò thúc đẩy chuyển biến xã hội có thể cải thiện cuộc sống của tất cả mọi người. Vì lý do đó, phương pháp tiếp cận của UNDP là trao quyền cho phụ nữ như những tác nhân thay đổi tích cực trong mọi khía cạnh xã hội, bằng cách thúc đẩy sự tham gia bình đẳng của phụ nữ ở tất cả các cấp. Đồng thời, UNDP coi phụ nữ là đối tác chiến lược, sự tham gia tích cực và khả năng lập kế hoạch, thiết kế và thực hiện của phụ nữ rất cần thiết cho tất cả các chương trình của UNDP”.
Nhân dịp này, UNDP cũng ra mắt podcast đầu tiên mang tên 'Hậu duệ của Hai Bà Trưng', chia sẻ câu chuyện của những phụ nữ bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng khí hậu. Được biên soạn kỹ lưỡng, mỗi podcast giới thiệu hành trình của những phụ nữ ở nhiều lĩnh vực khác nhau, chia sẻ kinh nghiệm vận động cộng đồng và hành động trong lĩnh vực nông nghiệp, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, kinh tế tuần hoàn, v.v.; thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Podcast mong muốn sẽ truyền cảm hứng cho phụ nữ và đảm bảo tiếng nói của phụ nữ không bị 'bỏ lại phía sau' mà được lắng nghe ở tất cả các cấp.
Lắng nghe podcast “Hậu duệ của Hai Bà Trưng” tại:
---
Để biết thêm chi tiết, vui lòng liên hệ:
Nguyễn Việt Lan, Phụ trách Truyền thông UNDP Việt Nam, email: nguyen.viet.lan@undp.org, tel: 0914.436.769
Nguyễn Thị Thùy Dương, Cán bộ Truyền thông UNDP Việt Nam, email: nguyen.thi.thuy.duong@undp.org, tel: 0983.135799