Việt Nam cần chuẩn bị tài chính cho chuyển đổi năng lượng công bằng

8 December, 2022
UNDP Việt Nam

Hà Nội ngày 8 tháng 12 năm 2022“Đối với một nền kinh tế như Việt Nam, tài trợ quốc tế sẽ chỉ cung cấp một nguồn vốn bổ sung. Hầu hết các nhu cầu đầu tư sẽ phải được đáp ứng bởi các nguồn vốn trong nước. Vì thế, nâng cao năng lực huy động vốn dài hạn của các định chế tài chính trong nước là cốt lõi của quá trình chuyển đổi khí hậu”.

Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú của UNDP, đã nhấn mạnh điều này trong bài phát biểu khai mạc hội thảo “Tài chính cho phát triển – vai trò của các định chế tài chính trong nước” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) và Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) tổ chức tại Hà Nội hôm nay.

Cam kết mang tính bước ngoặt của Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 là rất táo bạo và có tầm nhìn. Khi đưa ra cam kết này, Chính phủ ghi nhận việc chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch có thể mang lại những lợi ích kinh tế hữu hình. Hiện nay đã có bằng chứng cho thấy quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn là bớt đi.

Tuy nhiên, không nên đánh giá thấp quy mô của những thách thức đối với Việt Nam và các nước đang trong hành trình hướng tới mức phát thải ròng bằng “0”. Việc giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch sẽ ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực của nền kinh tế, từ sản xuất điện đến nông nghiệp, xây dựng, sản xuất, và vận tải.

Phần lớn cuộc thảo luận tập trung vào các nhu cầu tài chính cho chuyển đổi năng lượng công bằng. Các ước tính về chi phí khác nhau tùy thuộc vào các giả định được sử dụng khi tính toán. Tuy nhiên, các ước tính thận trọng cho thấy Việt Nam sẽ cần phải huy động thêm từ 15 đến 30 tỷ USD mỗi năm - tức là đầu tư vượt mức đầu tư thông thường - để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng “0” đồng thời duy trì tăng trưởng kinh tế cao.

Hệ thống tài chính của Việt Nam đã phát triển và đa dạng hơn, nhưng việc thiếu thị trường thứ cấp sâu rộng và có tính thanh khoản cao đã hạn chế khả năng cung cấp vốn dài hạn. Những vụ việc xảy ra gần đây trên thị trường trái phiếu cho thấy quản trị, công khai thông tin doanh nghiệp và trách nhiệm giải trình là những hạn chế chính đối với sự phát triển của các thị trường thứ cấp năng động.

Cần có chính sách phù hợp nhằm rỡ bỏ những trở ngại để tăng nguồn cung cấp tài chính dài hạn trong nước cho quá trình chuyển đổi năng lượng và các mục đích sử dụng khác.

Nguyễn Thị Hoàng Yến, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: “Hiện tại Việt Nam được đưa vào danh sách “ưu tiên hợp tác năng lượng”, và đang thảo luận với các quốc gia trên thế giới về các cơ chế tài chính khí hậu quốc tế khác nhau trong hỗ trợ chuyển dịch năng lượng. Tuy nhiên, con số các quốc gia tài trợ cho Việt Nam sẽ chỉ là một phần nhỏ trong chặng đường tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch năng lượng. Chúng ta cần củng cố các định chế tài chính trong nước để đảm bảo tài chính cho doanh nghiệp, đầu tư vào các dự án phát triển kinh tế xã hội, đầu tư vào các dự án giúp chuyển dịch năng lượng trong trung và dài hạn”.

Chương trình chung hỗ trợ Việt Nam xây dựng Khung Tài chính tích hợp có mục tiêu tổng quát là hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực cải cách việc huy động, sử dụng và quản lý tài chính cho phát triển, nhằm thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững SDGs đến năm 2030. Trong khuôn khổ Chương trình này, UNDP phối hợp với Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường thực hiện nghiên cứu “Đánh giá hoạt động các ngân hàng phát triển tại Việt Nam”“Các thách thức và khuyến nghị để phát triển thị trường vốn tại Việt Nam.”

UNDP phối hợp với Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và phát triển (UNCTAD) thực hiện nghiên cứu “Ngân hàng khí hậu cho chuyển dịch xanh và công bằng”.

Đây là những nghiên cứu ban đầu nhằm đưa ra những khuyến nghị và thảo luận chính sách nhằm phát triển thị trường vốn cho doanh nghiệp tư nhân, đảm bảo các nguồn tài chính công đóng góp có hiệu quả vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển. Quan trọng nhất, là các khuyến nghị giúp huy động nguồn lực và sử dụng những khoản đầu tư có hiệu quả, mang lại các kết quả phát triển bền vững.

Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu từ Chương trình chung hỗ trợ Việt Nam xây dựng Khung Tài chính tích hợp (INFF), các nhà kinh tế từ UNCTAD và SOAS, Đại học London; và các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm về tài chính khí hậu ở các bối cảnh phát triển khác nhau đã chia sẻ các tiền lệ trên toàn cầu và đóng góp tiềm năng của ngân hàng phát triển cho chuyển đổi năng lượng của Việt Nam. Họ đề xuất thành lập Ngân hàng Khí hậu Việt Nam để góp phần tài trợ năng lượng dài hạn thông qua cung cấp bảo lãnh cho các khoản vay ngân hàng thương mại, tổ chức việc thực hiện tài chính có cấu trúc cho các dự án chậm triển khai, và thậm chí là mua cổ phần trong các dự án mang lại lợi ích xã hội quan trọng.

Ông Thomas Marois, chuyên gia kinh tế chính trị và là tác giả của các ngân hàng công, Trường SOAS thuộc Đại học London, đưa ra quan điểm về việc thành lập Ngân hàng Khí hậu Việt Nam để thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh và công bằng. Ông nói: “Ngân hàng Khí hậu Việt Nam có thể là một đinh chế, là một món quà cho tương lai thông qua việc đảm bảo một tương lai xanh và công bằng. Ngân hàng cần thực hiện đúng nhiệm vụ -- đảm xanh và công bằng vì lợi ích công. Để có thể hoạt động một cách đáng tin cậy và hiệu quả, Ngân hàng Khí hậu Việt Nam cần có một Ban Thống đốc đại diện”.

Giáo sư Uli Volz, Giám đốc Trung tâm Tài chính bền vững SOAS, trường đại học SOAS, thuộc Đại học London chia sẻ cách thức Ngân hàng Khí hậu Việt Nam có thể giúp giải quyết vấn đề chi phí vốn cao đang cản trở quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế các-bon thấp ở Việt Nam cũng như các nền kinh tế đang phát triển và đang nổi lên khác thông qua hợp tác với các định chế tài chính phát triển quốc tế (DFI).

***

Để biết thêm thông tin, xin liên hệ: Nguyễn Việt Lan, Phụ trách Truyền thông của UNDP

Email: nguyen.viet.lan@undp.org; điện thoại: 0914436769.