Việt Nam đẩy nhanh việc áp dụng Trí tuệ nhân tạo vào Khu vực công: Các khuyến nghị chính sách chiến lược

18 Tháng 3, 2025
A graphic featuring headshots of speakers at a panel discussion on AI in Vietnam.
Ảnh: UNDP Việt Nam

Hà Nội, ngày 18 tháng 03 năm 2025 – Trong thời gian gần đây, một số cơ quan Nhà nước trung ương và địa phương tại Việt Nam đã bước đầu ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) vào hoạt động quản lý hành chính và cung cấp dịch vụ công. Một số ví dụ điển hình bao gồm trợ lý ảo trong quản lý hành chính công, phần mềm nhận dạng khuôn mặt trong an ninh trật tự, hay hệ thống giám sát giao thông thông minh. Tuy nhiên, việc ứng dụng này vẫn còn tồn tại nhiều khoảng trống cần được điều chỉnh để đảm bảo sự phát triển AI bền vững và hiệu quả trong khu vực công. 

Những kết quả trên đây được chia sẻ tại tọa đàm chuyên đề Đánh giá toàn cảnh trí tuệ nhân tạo trong khu vực công tại Việt Nam, đồng tổ chức bởi Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam và Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS). Sự kiện đã đưa ra một đánh giá sâu sắc về bối cảnh phát triển AI hiện tại, định hướng chiến lược và thực trạng ứng dụng AI trong khu vực công, từ đó đưa ra các khuyến nghị chính sách nhằm phát huy tối đa tiềm năng của AI.

A panel discussion with four speakers at a conference, audience seated in foreground.

Ảnh: UNDP Việt Nam

Những “bài toán” cần giải

Tại tọa đàm, các chuyên gia nhấn mạnh vai trò quan trọng của dữ liệu và cơ sở hạ tầng trong việc ứng dụng hiệu quả AI. Thực tế là các cơ quan Nhà nước đang sở hữu lượng dữ liệu lớn, nhưng phân tán và thiếu liên kết. Hạn chế này đã và đang gây nhiều trở ngại cho việc triển khai các giải pháp AI trên diện rộng. Do đó, nhu cầu đặt ra là cần phải có chính sách thúc đẩy dữ liệu mở, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến dữ liệu và đầu tư vào hạ tầng tính toán, trung tâm dữ liệu phục vụ AI. 

Bên cạnh đó, hạn chế về nguồn nhân lực và năng lực công nghệ cũng là một thách thức lớn. Số lượng chuyên gia về AI trong khu vực công có rất ít, dẫn tới sự phụ thuộc nặng nề lên khu vực tư nhân. Để ứng dụng AI hiệu quả, các cơ quan Nhà nước cần nâng cao năng lực của cán bộ công chức, tận dụng nguồn lực chuyên gia từ khu vực tư nhân và khuyến khích hợp tác giữa các bên liên quan trong phát triển AI.

Ngoài ra, khung chính sách và cơ chế chưa rõ ràng cũng là trở ngại lớn. Mặc dù đã có chiến lược phát triển AI, nhưng Việt Nam vẫn chưa có hệ thống pháp lý và quy chuẩn kỹ thuật hoàn thiện, đặc biệt trong quản lý dữ liệu và đạo đức AI. 

Thách thức về mặt tài chính cũng đáng quan tâm khi việc triển khai AI đòi hỏi nguồn lực lớn, trong khi ngân sách nhà nước còn hạn chế, cơ chế tài chính có những điểm chưa phù hợp, khiến cho việc đầu tư vào ứng dụng AI còn nhiều khó khăn.

Phó Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam, ông Patrick Haverman phát biểu: “Trí tuệ nhân tạo (AI) đang tạo nên những thay đổi trong cách chúng ta sống, làm việc và quản trị. AI cung cấp những cơ hội lớn nếu chúng ta ứng dụng một cách có trách nhiệm. Đánh giá Toàn cảnh về AI (AILA) nhấn mạnh Việt Nam đang ở thời điểm then chốt. Với chiến lược đúng đắn, đầu tư hợp lý và đảm bảo về đạo đức, AI có thể trở thành một động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển quốc gia và tiến bộ con người.”

Những khuyến nghị chính

  1. Nâng cao năng lực công nghệ số trong các cơ quan Chính phủ bằng cách đầu tư vào dữ liệu, cơ sở hạ tầng dữ liệu và hệ thống điện toán hiệu suất cao cho AI, đồng thời tăng cường đào tạo nguồn nhân lực cho vận hành và phát triển AI.

  2. Thiết lập khuôn khổ pháp lý và cơ chế rõ ràng, bao gồm các quy định về trách nhiệm giải trình, chuẩn mực đạo đức, quản trị rủi ro và bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu.

  3. Thúc đẩy quan hệ công – tư để khuyến khích các công ty công nghệ và viện nghiên cứu phát triển các sản phẩm và giải pháp AI cho khu vực công. 

  4. Thúc đẩy dữ liệu mở và quản trị dữ liệu, tạo ra một hệ thống kết nối cao giữa cơ quan Chính phủ và đối tác. 

  5. Tập trung vào đạo đức AI và quản lý rủi ro thông qua các hệ thống giám sát, đánh giá tác động, đảm bảo tính minh bạch, công bằng và bảo vệ quyền riêng tư. 

Việt Nam cần ứng dụng AI một cách có chọn lọc, thiết thực và phù hợp với điều kiện thực tế cũng như nhu cầu cụ thể trong khu vực công, tránh chạy theo trào lưu công nghệ, để đảm bảo hiệu quả thực sự và lợi ích công cộng.

A person sits in front of a presentation screen with a Venn diagram and red chairs in the background.
Ảnh: UNDP Việt Nam

Hai lựa chọn chiến lược cho phát triển AI

  • AI chuyên sâu theo từng lĩnh vực (AI hẹp): Ít tốn kém, tận dụng dữ liệu sẵn có, dễ kiểm soát và hiệu quả ngay lập tức.

  • Phát triển nghiên cứu AI cơ bản và mô hình lớn (như LLM): Đầu tư nghiên cứu sâu để làm chủ công nghệ lõi, nhưng đòi hỏi nguồn lực tài chính và hạ tầng tính toán mạnh mẽ.

Lộ trình thực hiện

  • Bước 1. Xác định đúng bài toán: Rõ ràng hóa nhu cầu, xác định ưu tiên ứng dụng AI phù hợp với thực tiễn của từng cơ quan.

  • Bước 2. Thử nghiệm và tinh chỉnh: Thử nghiệm giải pháp AI trong môi trường có kiểm soát và điều chỉnh theo thực tế.

  • Bước 3. Mở rộng triển khai và hợp tác: Triển khai rộng rãi khi đã chứng minh hiệu quả, xây dựng khuôn khổ pháp lý và thúc đẩy hợp tác công-tư, quốc tế để tăng cường nguồn lực và tri thức AI.

Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) - khẳng định ứng dụng AI trong khu vực công ở Việt Nam có tiềm năng to lớn, đặc biệt ở các khía cạnh về hỗ trợ năng lực ra quyết định chính sách, nâng cao hiệu suất công việc và cải tiến cung ứng dịch vụ công. “Vì vậy, mỗi cơ quan cần khai mở tiềm năng này bằng việc xác định rõ “bài toán" riêng của mình nhằm lựa chọn công nghệ AI phù hợp, đồng thời đánh giá mức độ sẵn sàng của nội bộ tổ chức để xây dựng lộ trình triển khai một cách có hiệu quả.

A large crowd seated in a modern room with red chairs, facing a speaker at a table.
Ảnh: UNDP Việt Nam

Thông tin liên hệ:

Nguyễn Việt Lan, Trưởng ban Truyền thông UNDP tại Việt Nam

Email: nguyen.viet.lan@undp.orgSĐT: 091 443 6769

Trần Anh Thơ, Trợ lý Truyền thông, Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS)

Email: thota@ips.org.vn; SĐT: 034 857 0346