Lễ công bố Báo cáo Kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long năm 2022
2 August, 2022
Tôi rất vinh dự được phát biểu tại Lễ công bố Báo cáo Kinh tế Đồng bằng sông Mekong lần thứ hai năm 2022, trong đó có mô hình chuyển đổi chiến lược cho ngành nông nghiệp.
Đầu tiên, tôi xin chúc mừng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – cả trụ sở chính tại Hà Nội và chi nhánh tại Cần Thơ - đã khởi xướng loạt báo cáo kinh tế quan trọng này cho Đồng bằng sông Cửu Long. UNDP rất vui được đóng góp cho báo cáo thứ hai này trong loạt báo cáo, được công bố hôm nay.
Như chúng ta đã biết, tháng trước, Chính phủ Việt Nam công bố Quy hoạch tổng thể đa ngành, liên ngành và liên tỉnh đầu tiên, áp dụng cách tiếp cận dựa vào thiên nhiên và lấy con người làm trung tâm cho phát triển bền vững, xanh và thích ứng với khí hậu của Đồng bằng.
Đây chính là lúc các bên liên quan - từ Chính phủ, doanh nhân, nhà khoa học và nông dân, tập hợp cùng hành động để thực hiện Quy hoạch tổng thể. Đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Hôm nay, tôi xin đưa ra một số đề xuất để biến kế hoạch thành hành động, cũng như những lĩnh vực cần được phân tích sâu trong báo cáo năm tới:
Đầu tiên và quan trọng nhất là tập trung vào việc phân bổ chi phí và lợi ích của công tác thích ứng với biến đổi khí hậu để đảm bảo rằng việc chuyển đổi nông nghiệp không làm người dân và cộng đồng dễ bị tổn thương bị rơi vào tình trạng nghèo đói:
Báo cáo cho thấy biến đổi khí hậu sẽ làm thay đổi nền nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long. Việc điều chỉnh để ứng phó với biến đổi khí hậu chắc chắn sẽ diễn ra thông qua thị trường do nhà đất ở một số nơi trở nên đắt hơn hoặc mất giá do lũ lụt, xâm nhập mặn và các yếu tố khác. Chính phủ không thể bù đắp những tác động khí hậu này mà cần can thiệp để bảo vệ những người có nguy cơ cao nhất.
- Sự thay đổi hệ sinh thái sẽ dẫn đến việc di cư trên diện rộng. Điều quan trọng là cần tránh kiểm soát sự di chuyển của dân cư, thay vào đó, tạo điều kiện cho việc di cư đến những nơi có thể cung cấp việc làm tốt, nhà ở an toàn, và các dịch vụ công cộng thiết yếu thông qua việc sử dụng các biện pháp khuyến khích, bao gồm cả việc xây dựng nhà ở giá rẻ tại các khu công nghiệp và các khu vực có nông nghiệp xuất khẩu phát triển mạnh.
- Báo cáo ghi nhận 41% lực lượng lao động ở Đồng bằng sông Mekong là công nhân viên chức. Nếu có số liệu thống kê đầy đủ hơn về người di cư, tỉ lệ này có thể sẽ cao hơn. Do khu vực có một nửa lực lượng lao động là người công ăn lương, việc tạo ra việc làm bền vững và năng suất cao là chìa khóa để thích ứng với biến đổi khí hậu, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Thứ hai, Đầu tư công đóng một vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư tư nhân
Đầu tư công cho cơ sở hạ tầng ở Đồng bằng sông Cửu Long chưa theo kịp với nhu cầu. Đầu tư công bổ sung là cần thiết và phải đi kèm với hiệu quả cao hơn trong quy hoạch và thực hiện, tránh trùng lặp, chậm trễ và vượt chi phí làm kìm hãm sự phát triển cơ sở hạ tầng trong khu vực.
- Các hạn chế về quy định cũng đã làm tăng chi phí logistics do tạo ra các rào cản trong phân phối, kho bãi và vận chuyển. Các tỉnh trong khu vực cần hợp tác với nhau hiệu quả hơn để khuyến khích tạo ra lợi thế quy mô trong lĩnh vực hậu cần.
- Cần xây dựng các cơ chế tài chính xanh và các cơ chế tài chính khí hậu, để đẩy nhanh và thu hút tài chính xanh cho nông nghiệp và các dự án liên quan
Thứ ba, và rất quan trọng là tăng nguồn cung tài chính dài hạn trong nước
Tài chính nước ngoài rất quan trọng, đặc biệt là khi đi kèm với công nghệ tiên tiến và thiết bị chính chưa sản xuất được ở Việt Nam.
- Tuy nhiên, phần lớn nguồn tài chính cho thích ứng với biến đổi khí hậu sẽ đến từ các nguồn trong nước. Chính phủ có thể đóng vai trò tích cực hơn trong thúc đẩy sự phát triển sâu rộng của thị trường vốn trong nước, đặc biệt là thị trường thứ cấp cho trái phiếu trong nước và các công cụ tài chính khác.
- Các nước đang phát triển và tiên tiến có nhiều mô hình hữu ích về việc sử dụng ngân hàng công kích thích khu vực tư nhân cho vay thông qua bảo lãnh một phần, tài chính có cấu trúc và thậm chí cả cổ phần trong các dự án mới.
Thứ tư, khuyến khích các mô hình chuyển đổi nông nghiệp mới
Nông nghiệp ngày càng thâm dụng vốn và công nghệ. Đồng bằng sông Mekong sẽ tiếp tục là nơi sản xuất gạo lớn, nhưng sẽ chuyển dần sang các mặt hàng có giá trị gia tăng cao hơn, bao gồm cá và động vật có vỏ, sản phẩm tươi sống cho xuất khẩu và các thành phố lớn ở Việt Nam.
- Chính phủ sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc kích thích đổi mới, khuyến khích cách làm bền vững, chỉnh đốn việc sử dụng thuốc trừ sâu và lạm dụng phân bón hóa học, xây dựng cơ sở hạ tầng công cộng, và giảm chi phí hậu cần.
- UNDP đã và đang hỗ trợ kỹ thuật cho các tỉnh và các cộng đồng dễ bị tổn thương trong ứng phó với tác động của thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu và Covid-19 ở Đồng bằng sông Mekong;
- Hỗ trợ của UNDP ngày càng mở rộng với nỗ lực xanh hóa chuỗi cung ứng; mô hình trình diễn hệ thống thực phẩm thông minh với khí hậu; và phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc xuất khẩu nông sản sang thị trường mới.
Thứ năm và cuối cùng, các tỉnh cần hợp tác cùng hành động
- Các thách thức về xã hội, kinh tế, môi trường và biến đổi khí hậu không thể được giải quyết bởi một tỉnh hoặc Cần Thơ riêng lẻ. Báo cáo này được đưa ra đúng lúc chính quyền các tỉnh ở Đồng bằng sông Mekong đang bắt đầu thiết kế quy hoạch cấp tỉnh, sau quy hoạch tổng thể vùng của Chính phủ vào tháng trước. Báo cáo cung cấp dữ liệu và thông tin phong phú và có giá trị cho mục đích lập kế hoạch.
- Các tỉnh cần hợp tác cùng hành động để đạt được lợi thế quy mô trong đầu tư công, hậu cần, bảo tồn nguồn nước, kiểm soát lũ lụt, và phát triển hệ thống sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, cần chia sẻ thông tin về nguy cơ xâm nhập mặn và hạn hán trong các quy hoạch phát triển nông, lâm, ngư nghiệp ở các tiểu vùng sinh thái.
- Xin chúc quý vị thảo luận sôi nổi, thúc đẩy nông nghiệp và chuyển đổi kinh tế của Đồng bằng sông Mekong theo hướng bền vững, thông minh và không để ai bị bỏ lại phía sau.
Xin cảm ơn!