Áp dụng các hình phạt thay thế hình phạt tử hình và quyền tự bào chữa trong tố tụng hình sự: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị đối với Việt Nam
Áp dụng các hình phạt thay thế hình phạt tử hình và quyền tự bào chữa trong tố tụng hình sự: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị đối với Việt Nam
21 February, 2023
Đảng và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã nhận thấy sự cần thiết phải cải cách hệ thống pháp luật và tư pháp để đạt được một hệ thống pháp luật minh bạch và hiệu quả, một nền tư pháp hiệu quả và đảm bảo trách nhiệm giải trình, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người, trong đó có các biện pháp thay thế hình phạt tử hình (án tử hình) và quyền tự bào chữa, một khía cạnh cơ bản của quyền được xét xử công bằng theo Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị.
Nghiên cứu này xem xét mức độ tương thích của luật pháp và thực tiễn tại Việt Nam trong việc tuân thủ các tiêu chuẩn pháp luật quốc tế và kinh nghiệm thực tiễn tốt mang tính so sánh từ nhiều quốc gia khác nhau liên quan đến từng vấn đề. Trong thập kỷ vừa qua, Việt Nam đã đạt được bước tiến đáng kể trong việc giảm số lượng tội phạm áp dụng hình phạt tử hình. Số bị cáo bị kết án tử hình chiếm chưa đến 1% tổng số bị cáo đưa ra xét xử, tuy nhiên gần đây số lượng án tử hình đang gia tăng.
Hiến pháp Việt Nam quy định rõ quyền bào chữa, bao gồm quyền tự đại diện và quyền được người khác đại diện bào chữa, không chỉ trước Toà án mà cả trong giai đoạn điều tra; sau khởi tố và trước khi truy tố. Mặc dù đã có quy định pháp luật nhằm bảo vệ quyền bào chữa, kết quả nghiên cứu cho thấy chỉ có một số rất ít bị cáo được luật sư bào chữa tại tòa và hầu hết những bị cáo tự bào chữa đều không có kiến thức hoặc kỹ năng để tự bào chữa có hiệu quả.
Nghiên cứu đưa ra những khuyến nghị và các biện pháp cụ thể nhằm hạn chế hơn nữa việc áp dụng hình phạt tử hình, tiến tới bãi bỏ hình phạt này và đảm bảo rằng quyền bào chữa được bảo vệ, thúc đẩy và thực thi thông qua các biện pháp như tăng cường tiếp cận trợ giúp pháp lý.